Sự tích tên gọi đảo Cát Bà
Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo lớn nhỏ khác nhau với phía Nam là vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1995.
Theo tương truyền, quần đảo Cát Bà là nơi các bà, các mẹ và chị em phụ nữ lo chuẩn bị lương thảo giúp các chiến binh đánh đuổi giặc Ân. Bởi thế, hòn đảo các chiến binh đóng quân nơi tiền phương gọi là đảo Các Ông (đọc chệch thành Cát Ông), và đảo hậu phương được gọi là đảo Các Bà (Cát Bà).
Nhưng theo một sự tích khác và được lưu truyền cho tới ngày nay thì từ rất lâu về trước (không rõ là vào thời kỳ nào) có hai xác nữ thần chết trẻ không biết từ đâu trôi dạt vào đảo, được bà con ngư dân đắp thanh hai ngôi mộ. Vào đêm đó, các nữ thần đã về báo mộng cho các vị chức sắc và dân chúng trên đảo biết về sự linh ứng của mình. Dân chúng bèn đóng góp tiền của, lập miếu thờ hai nữ thần ngay bên hai nấm mộ thiêng này, gọi là miếu Các Bà. Từ đó về sau ngư dân trên đảo trở nên ấm no và thái bình hơn trước. Hiện nay, đền thờ Các Bà ở Áng Ván – thị trấn Cát Bà, đền Bà – xã Hiền Hào cũng còn tồn tại với thời gian. Đảo Các Bà được đọc chệch đi thành Cát Bà như ngày nay.
Trước năm 1945, thị trấn Cát Bà là phố Cát Bà, rồi đại lý Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên. Sau năm 1945, trở thành thị xã Cát Bà. Đến ngày 22 tháng 07 năm 1957 huyện Cát Bà được thành lập gồm thị xã Cát Bà cũ đổi tên thành thị trấn Cát Bà và 5 xã của huyện Cát Hải được tách ra gồm: Trân Châu, Xuân Đám, Hiền Hào, Gia Luận, Việt Hải, đến năm 1977 mới sáp nhập với huyện Cát Hải thành huyện Cát Hải mới.