Các điểm tham quan di tích lịch sử trên đảo Quan Lạn
Quan Lạn những năm gần đây có lẽ là điểm đến không còn quá xa lạ đối với những ai yêu biển. Đến du lịch đảo Quan Lạn ngoài việc bạn sẽ được đắm mình trong những làn nước trong xanh bên bờ cát trắng mịn trải dài mà bạn còn được tham quan rất nhiều cụm di tích lịch sử đầy hào hùng trên xã đảo Quan Lạn. Vậy hãy cùng chúng tôi tham quan và khám phá những điểm tham quan du lịch Quan Lạn nhé!
1. Đình Quan Lạn
>> Tham khảo: Tour du lịch đảo Ngọc Vừng
Điểm tham quan đầu tiên mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn đó chính là đình Quan Lạn. Là một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh, đình Quan Lạn được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17), thờ Vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ công, bao gồm tiền đường và hậu cung còn mái đình lợp ngói vẩy, các đầu đao uốn cong, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng… của đình được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng, phượng, hoa, lá.
2. Chùa Quan Lạn
Nằm ngay cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn (hay có tên gọi khác là Linh Quang tự) thờ Phật và mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Tương truyền cụ Hậu là một bà lão ở Quan Lạn không chồng con, sinh thời hiền lành, phúc đức, chăm chỉ làm ăn để dành một số tiền của.Cụ Hậu đã dâng toàn bộ tài sản của mình cho nhà chùa. Dân làng đã tạc tượng cụ Hậu – là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ và thờ trong chùa.
3. Đền Quan Lạn
Đền Quan Lạn nằm kế bên chùa Quan Lạn, là nơi thờ 3 anh em họ Phạm Từ đền Quan Lạn. Nghè Quan Lạn nằm về phía đông bắc của đảo Quan Lạn trên trục đường chính Quan Lạn đi Minh Châu cách đình khoảng 1,2km. Nghè cũ sau khi bị hỏng đến năm 1986 được xây dựng lại khang trang, dân làng long trọng rước Bài vị, sắc phong đức thánh về an toạ tại nghè. Hàng năm đúng vào ngày 16/6 âm lịch, dân làng làm lễ rước bài vị, sắc phong của ngài từ nghè về đình tổ chức hội chèo bơi truyền thống và ngày 19/6 âm lịch làm lễ xa giá hoàn cung rước bài vị, sắc phong của ngài về nghè.
4. Miếu Quan Lạn
>> Tham khảo: Tour Vườn Vua Resort 2 ngày 1 đêm
Quan Lạn có bốn ngôi miếu, đó là miếu Cao Sơn, miếu Đức Ông, miếu Sao Ơn và miếu Đồng Hồ. Miếu Sao Ơn và miếu Đức Ông, Miếu Đồng Hồ là nơi thờ ba anh em tướng lĩnh họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng), những người đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn – Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Xác của ba ông đã trôi dạt vào bờ ở ba nơi: Sao Ơn, Đồng Hồ, Bến Đình như vị trí miếu thờ ba ông ngày nay. Rẽ trái khoảng 1,5km, du khách sẽ đến đền thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã chỉ huy trận chiến tại sông Mang – Vân Đồn năm 1287, góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong đền hiện còn lưu giữ pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời nhà Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.